PHP đã chết hay chỉ là hết thời?
Cuộc tranh luận về việc liệu PHP đã "chết" hay chưa là một chủ đề định kỳ trong cộng đồng công nghệ

Nó thường bùng lên mỗi khi một “fan boy” nào đó đăng đàn đầy lạc quan về một update mới, hoặc khi một "hater" công khai tấn công vào những yếu kém của PHP, hoặc đơn giản là khi khi một báo cáo thị phần được công bố. Có lẽ những tranh cãi về PHP thường bắt nguồn từ quan điểm khác nhau về “cái chết” cũng như technical background của các lập trình viên.
Để thực sự hiểu rõ vị thế hiện tại của PHP, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở những tranh cãi bề nổi. Thay vào đó, cần một cái nhìn sâu sắc hơn vào lịch sử hình thành, những điểm yếu đã tồn tại qua nhiều năm, các nỗ lực cải tiến muộn màng, và vai trò của hệ sinh thái xung quanh nó. Bài viết này sẽ đi sâu vào từng khía cạnh đó, đồng thời đưa ra một định nghĩa rõ ràng hơn về "cái chết" của một ngôn ngữ lập trình trong bối cảnh công nghệ liên tục biến đổi.
0. Hành trình từ sự say mê đến những thách thức
Hành trình của cá nhân tôi với PHP bắt đầu từ năm 2008, khi thầy giáo dạy toán cấp 3 giao cho tôi quản lý diễn đàn (vBulletin) và website của trường (Joomla). Trải nghiệm lập trình của tôi được nâng tầm từ những dòng mã Pascal với màn hình kết quả terminal trắng đen (nơi các thuật toán tìm ước chung lớn nhất, bội chung nhỏ nhất hay sắp xếp khiến tôi cảm thấy muốn ói) sang một thế giới trực quan đầy màu sắc hơn. Tại đó, tôi lần đầu được trải nghiệm cảm giác thứ mình build (hoặc đôi khi làm nó crash) tác động trực tiếp đến một cộng đồng người dùng.
Thời điểm này khái niệm "làm web" gần như đồng nghĩa với việc sử dụng PHP-MySQL (hay LAMP stack: Linux, Apache, Mysql, PHP). Đó là kỷ nguyên hoàng kim của các nền tảng như diễn đàn vBulletin, phpBB, MyBB và các CMS như Joomla, WordPress, Drupal, cùng với các giải pháp thương mại điện tử như Zen Cart/osCommerce và các framework như CodeIgniter, Zend Framework. Nơi kỹ năng của một lập trình viên được đo bằng khả năng tùy biến, viết plugin, và mở rộng core của các nền tảng có sẵn này để đáp ứng những yêu cầu phức tạp của khách hàng.
Khoảng thời gian “chaos” này có phần tăm tối, khi mọi thứ kiến thức chỉ dừng ở lưng chừng, tài liệu online hầu hết đều là những thuật ngữ chuyên ngành tiếng Anh và các senior ở VN dĩ nhiên không đủ kiên nhẫn để chỉ dẫn giải thích cho những con gà. “Đồng nghiệp” duy nhất trong giai đoạn này là ku em họ - tất nhiên cũng gà như tôi.

Thực ra tới 2025 em tôi vẫn đam mê PHP như ngày nào, thậm chí tôi tin rằng em có thể viết hack PUBG hay Unpack Audition Client bằng PHP =))
Sau đó các đồ án và dự án freelance đầu tiên đã đẩy tôi vào thế giới của các PHP Framework (khi mà tôi chưa đủ kỹ năng để hook, alter hay modify core của Drupal, Wordpress): CodeIgniter, với sự đơn giản và tài liệu tuyệt vời, là cánh cửa đầu tiên giúp tôi tiếp cận mô hình phát triển có cấu trúc. Sau đó là Yii Framework, một lựa chọn mạnh mẽ và chặt chẽ hơn với khái niệm MVC rõ ràng, giúp tôi solo hoàn thành môn Lập trình Web. Việc nghiên cứu sâu về Symfony sau này trở thành một yêu cầu cần thiết khi tôi nhận thấy tầm quan trọng của các component và nguyên tắc thiết kế phần mềm hiện đại trong việc xây dựng các hệ thống lớn, đặc biệt là khi các phiên bản Drupal sau này (từ Drupal 8 trở đi) bắt đầu tích hợp sâu các component của Symfony. Đó là một khoảnh khắc khi tôi nhận ra sức mạnh của kiến trúc module hóa và khả năng tái sử dụng code.
Nhưng cũng chính trong quá trình đó, những giới hạn của PHP, đặc biệt là ở phiên bản 5.x, dần lộ rõ. Hiệu năng luôn là một nỗi đau đầu, khi tôi đảm nhận việc xây dựng lại CMS của Thanh Niên Game, một vài trang tin high traffic khác. Cơn khát performance (và các dấu hiệu bàn đầu của OCD, ADHD) đã dẫn tôi đến việc tìm tòi các giải pháp niche hơn như PhalconPHP, một framework được viết bằng C như một extension của PHP, hứa hẹn hiệu năng vượt trội. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy sự phát triển của các giao thức như FastCGI và việc ra đời của PHP-FPM (FastCGI Process Manager) như những nỗ lực quan trọng để cải thiện hiệu suất và khả năng quản lý tài nguyên của PHP trong môi trường web server. Tôi thậm chí đã dành thời gian để nghiên cứu HipHop Virtual Machine (HHVM) của Facebook, một nỗ lực đầy tham vọng để biên dịch PHP sang machine code.
Khoảng năm 2014, khi bắt đầu làm việc với các hệ thống lớn hơn (Zing Me, Zing Forum của VNG) tôi có cơ hội tiếp xúc sâu với Java stack, đặc biệt là các framework như Jetty, Netty (và cả Apache Thrift, Kafka, Kyoto Cabinet, MongoDB). Trải nghiệm này nhanh chóng giúp tôi nhận thức rõ ràng về sự vượt trội của hệ sinh thái Java trong việc xây dựng các ứng dụng microservice và các hệ thống quy mô lớn (large-scale applications). Khả năng quản lý concurrency, none-blocking IO mechanism, hiệu suất ổn định và sự đa dạng của các thư viện, công cụ trong Java đã cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác biệt so với những gì PHP có thể cung cấp cho các kiến trúc phức tạp và đòi hỏi tính sẵn sàng cao.
Hành trình này, với gần 10 PHP Framework khác nhau, không chỉ là một câu chuyện cá nhân. Nó phản ánh sự tiến hóa, những nỗi đau và những nỗ lực tự cứu mình của chính PHP và cộng đồng xung quanh nó. Quan trọng hơn, nó định hình một nguyên tắc cốt lõi đã theo tôi suốt sự nghiệp:
Một developer thực thụ không trung thành với công cụ, mà trung thành với giải pháp tối ưu.
Chúng ta dùng súng để đi săn, dùng cần để câu cá, chứ không ai cố gắng cải tiến một cây cung để làm cả hai việc. Dĩ nhiên, bạn hoàn toàn có thể dành công sức cải tiến một cây cung truyền thống thành một cây nỏ hiện đại – mạnh hơn, chính xác hơn, và có thể bắn liên tục. Bạn thậm chí có thể dùng nó để đi săn những con mồi lớn hay bắt cá. Nhưng câu hỏi đặt ra là: liệu sự cải tiến đó có thực sự hiệu quả và đáng giá khi bạn hoàn toàn có thể cầm ngay một khẩu súng chuyên dụng để đi săn, hay một chiếc cần câu đã được tối ưu cho việc bắt cá?
Và trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, PHP ngày nay là một công cụ để xây dựng tương lai, hay chỉ còn là cây cung mà bạn đôi khi thử cầm lại nếu muốn "chill chill", cho những side project hoặc để hoài niệm về một thời đã qua?
1. Những pain point và nỗ lực vá víu muộn màng
Di sản lớn nhất của PHP không phải là Laravel, WordPress hay Facebook (HHVM), mà là những vấn đề trong thiết kế ngôn ngữ, thứ đã tạo ra hàng đống source code khó đọc, khó bảo trì và trở thành nguồn cảm hứng cho vô số "meme" trong giới lập trình.
a. Thiết kế chắp vá và sự thiếu nhất quán
PHP, ngay từ khởi thủy, được xây dựng một cách ngẫu nhiên, không theo một kiến trúc hay triết lý thiết kế thống nhất. Điều này đã tạo ra một "di sản" về sự thiếu nhất quán và các vấn đề về cú pháp, gây khó chịu và dễ dẫn đến lỗi cho lập trình viên.
Syntax và quy ước đặt tên lộn xộn:
Bất kỳ ai đã làm việc với PHP đủ lâu đều có thể kể ra hàng tá ví dụ về sự thiếu nhất quán của nó. Thứ tự tham số hàm là một ví dụ điển hình:
array_map(callable $callback, array $array, array ...$arrays): array
- callback đứng đầu.array_filter(array $array, ?callable $callback = null, int $mode = 0): array
- array đứng đầu.strpos(string $haystack, string $needle, int $offset = 0): int|false
- chuỗi lớn (haystack) đứng trước, chuỗi cần tìm (needle) đứng sau.in_array(mixed $needle, array $haystack, bool $strict = false): bool
- thứ tự lại đảo ngược, needle trước, haystack sau.
Sự lộn xộn này không chỉ gây khó chịu, nó còn làm tăng khả năng mắc lỗi và buộc lập trình viên phải liên tục tra cứu tài liệu cho những hàm cơ bản nhất. Thêm vào đó là sự tồn tại của nhiều API để làm cùng một việc (ví dụ: các hàm mysql_*
, mysqli_*
, PDO để tương tác với MySQL), mỗi cái có một cú pháp và cách tiếp cận khác nhau. Quy ước đặt tên cũng không đồng nhất, ví dụ như str_replace
(snake_case) và htmlspecialchars
(camelCase) tồn tại song song.
Hành vi ép kiểu (type coercion) khó lường:
Đây có lẽ là điểm gây tranh cãi nhất và là nguồn gốc của vô số hidden bug và hành vi không mong muốn, đặc biệt là trong các hệ thống lớn.
Ví dụ, phép so sánh ==
khét tiếng của PHP có thể dẫn đến những kết quả khó hiểu:
<?php
var_dump(0 == "a"); // true (!!!)
var_dump(null == 0); // true
var_dump(null === 0); // false
var_dump(null < -1); // true (!!!)
var_dump("10" == 10); // true
var_dump("10" === 10); // false
var_dump("abc" == 0); // true (!!!)
Lưu ý: Ví dụ var_dump(null < -1);
cho kết quả true trong các phiên bản PHP cũ (trước PHP 8.0) do null được ép kiểu thành false, sau đó thành 0, nhưng logic so sánh null có những hành vi đặc biệt. Trong PHP 8.0 trở đi, hành vi này đã được thay đổi và sẽ cho kết quả false.
Mặc dù PHP đã giới thiệu chế độ strict_types=1
để ngăn chặn hành vi ép kiểu tự động này, nó phải được khai báo ở đầu mỗi file và không phải là mặc định. Điều này tạo ra sự không nhất quán trong codebase và đòi hỏi lập trình viên phải nhớ bật chế độ này một cách thủ công, thay vì có một hệ thống kiểu chặt chẽ và built-in safety như TypeScript hay Kotlin.
Dấu dollar ($) ở khắp mọi nơi: Việc sử dụng dollar ($
) trước mỗi tên biến, mặc dù là một đặc trưng nhận diện của PHP, nó bị một số developer coi là không thẩm mỹ và khiến code trông lộn xộn, khó đọc, đặc biệt khi kết hợp với các cú pháp khác. (Nhiều file trông như kiểu email scam của hoàng tử Ả Rập). Thực ra quan điểm này khá cá nhân, bản thân mình thì thấy nó không vấn đề lắm, svelte cũng dùng $ và bị bash khá nhiều trên ycombinator
Về cảm quan cá nhân thì với mình Erlang là bố của khó đọc. Ví dụ 1 đoạn trong game server Erlang mà mình đang maintenance:

Hoặc rust với metaprogramming
pub async fn encoder(
rx: MutexGuard<'_, PeekableReceiver<PacketBuf>>,
#[allow(unused_variables)] protocol: ProtocolVersion,
#[cfg(feature = "v3")] supports_binary: bool,
max_payload: u64,
) -> Result<Payload, Error> {
#[cfg(feature = "v3")]
{
match protocol {
ProtocolVersion::V4 => encoder::v4_encoder(rx, max_payload).await,
ProtocolVersion::V3 if supports_binary => {
encoder::v3_binary_encoder(rx, max_payload).await
}
ProtocolVersion::V3 => encoder::v3_string_encoder(rx, max_payload).await,
}
}
#[cfg(not(feature = "v3"))]
{
encoder::v4_encoder(rx, max_payload).await
}
}
b. Vấn đề kỹ thuật nội bộ và lỗi bộ nhớ
Ngoài các vấn đề về cú pháp và thiết kế ngôn ngữ, PHP còn đối mặt với những chỉ trích về mặt kỹ thuật sâu hơn trong cách triển khai và vận hành.
API Zend (nội bộ của PHP) tệ: Các API nội bộ của PHP (Zend API), được sử dụng để phát triển các extension hoặc can thiệp sâu vào core, bị cho là có thiết kế kém, phức tạp và tài liệu không tồn tại hoặc lỗi thời. Ví dụ, Zend Engine 2 có Cấu trúc Hashtable cực kỳ phức tạp và khó sử dụng. Dev phải quản lý bộ nhớ một cách thủ công, xử lý con trỏ rất cẩn thận và việc lặp (iterate) qua các phần tử cũng không hề đơn giản. Một sai sót nhỏ có thể dẫn đến memory leak hoặc crash. Tài liệu gần như không tồn tại. Nguồn tài liệu tốt nhất chính là đọc mã nguồn của các extension khác hoặc của chính PHP core. Điều này tạo ra một rào cản cực lớn cho bất kỳ ai muốn phát triển extension. API thiếu nhất quán các macro và hàm nội bộ thường xuyên thay đổi giữa các phiên bản nhỏ, khiến việc bảo trì extension trở thành một cơn ác mộng.
Memory leaks và segmentation fault: Mặc dù PHP có vòng đời tiến trình ngắn (mỗi web request thường khởi tạo một tiến trình PHP mới và kết thúc sau khi xử lý xong), nhưng các lỗi bộ nhớ (memory leaks) và segmentation fault vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Những lỗi này thường xuất phát từ các bug trong core hoặc các extension C/C++ được sử dụng. Mặc dù chúng có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến end user, nhưng gây ra sự thiếu ổn định cho server, tăng gánh nặng quản trị và tiềm ẩn các lỗ hổng bảo mật nếu không được xử lý đúng cách.
c. Thách thức với các long running process và asynchronous operations
Mô hình thực thi truyền thống của PHP, dựa trên việc khởi tạo lại môi trường cho mỗi HTTP request, đã tạo ra thách thức lớn khi xây dựng các ứng dụng đòi hỏi tiến trình chạy dài (long-running processes) hoặc xử lý các tác vụ bất đồng bộ (asynchronous operations). Điều này bao gồm các ứng dụng WebSocket, message queues, hoặc các dịch vụ backend cần duy trì kết nối liên tục. Trong khi các ngôn ngữ như Js/Node (với Event Loop), Go (với Goroutines, Channels), Java (với Threading và NIO) hay C# (với async/await và TPL) có các mô hình concurrency mạnh mẽ và tích hợp sẵn để xử lý hiệu quả các use case này, PHP phải dựa vào các giải pháp bên ngoài hoặc các thư viện phức tạp như ReactPHP hay Swoole để mô phỏng khả năng tương tự. Sự thiếu hụt một mô hình bất đồng bộ nguyên bản đã khiến PHP gặp khó khăn trong việc cạnh tranh ở các lĩnh vực yêu cầu hiệu suất cao và khả năng mở rộng cho các loại ứng dụng hiện đại.
Mặc dù PHP đã có những cải tiến như Fibers (PHP 8.1) giúp cải thiện khả năng bất đồng bộ ở cấp độ userland (ví dụ: cho phép các thư viện như Amp, ReactPHP hoạt động hiệu quả hơn), nó vẫn không phải là một mô hình concurrency tích hợp sẵn và đầy đủ như Event Loop của Node.js hay Goroutines của Go.
d. Cuộc cách mạng muộn màng: Innovation hay là Copy?
Đối mặt với sự cạnh tranh từ các ngôn ngữ hiện đại, PHP đã có những nỗ lực thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt từ phiên bản 7.0. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ, phần lớn những cái gọi là "innovation" này thực chất là những nỗ lực "copy" một cách muộn màng.
JIT (Just-In-Time) Compiler: Được giới thiệu trong PHP 8, JIT là một bước tiến lớn, hứa hẹn cải thiện hiệu năng cho các tác vụ tính toán chuyên sâu (CPU-bound). Nhưng thực tế, JIT đã là một công nghệ cốt lõi trong Java (JVM) và C# (.NET) từ hàng thập kỷ trước. Hơn nữa, hiệu quả của JIT trong PHP đối với các ứng dụng web thông thường (I/O-bound) vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi, và nó không giải quyết được vấn đề kiến trúc synchronous của ngôn ngữ.
Fibers: Được giới thiệu trong PHP 8.1, Fibers cung cấp một nền tảng cho lập trình bất đồng bộ ở mức độ thấp. Đây là một nỗ lực để giải quyết bài toán concurrency mà không cần thay đổi hoàn toàn mô hình thực thi của PHP. Nhưng một lần nữa, đây chỉ là một phiên bản "copy" của khái niệm Coroutines đã có từ rất lâu trong các ngôn ngữ như Python, Go, và JavaScript. Fibers của PHP phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều mã boilerplate hơn để sử dụng so với các đối thủ (mà cũng không hẳn là đối thủ =)) )
Attributes: Ra mắt trong PHP 8, Attributes cho phép thêm metadata vào code, thay thế cho các khối comment PHPDoc. Đây là một cải tiến đáng hoan nghênh, nhưng nó chỉ đơn giản là một phiên bản khác của Annotations trong Java/C# hay Decorators trong Python/TypeScript, những thứ đã tồn tại và được sử dụng rộng rãi từ nhiều năm trước.
Vấn đề không phải là PHP đã "copy" các tính năng này, vì việc học hỏi lẫn nhau giữa các ngôn ngữ là chuyện bình thường. Vấn đề là sự muộn màng và cách triển khai chưa tới. Các ngôn ngữ khác không chỉ có các tính năng này sớm hơn, mà còn xây dựng được cả một hệ sinh thái công cụ (tooling) và thư viện xung quanh chúng, điều mà PHP vẫn còn đang chật vật xây dựng.
Thậm chí, khi nói về việc thêm metadata hay code generation, Rust thực sự là next level. Thay vì chỉ là các thuộc tính đơn giản để gắn thẻ, procedural macros của Rust cho phép tạo ra code tùy ý ngay tại thời điểm compile, biến nó thành một công cụ metaprogramming cực kỳ mạnh mẽ. Khả năng này đã tạo ra một hệ sinh thái với các thư viện như Serde hay Actix-web, nơi các macro giúp giảm đáng kể boilerplate, đảm bảo an toàn kiểu dữ liệu, và tối ưu hiệu suất. Sức mạnh này của Rust đã có từ rất sớm, giúp nó phát triển một nền tảng công cụ và thư viện vững chắc mà PHP vẫn đang phải cố gắng bắt kịp.
e. Các vấn đề về môi trường runtime và quản lý gói
Hiệu năng của một ngôn ngữ không chỉ phụ thuộc vào bản thân ngôn ngữ mà còn vào cách nó được triển khai và vận hành trong môi trường runtime. PHP, mặc dù đã có những cải tiến, vẫn gặp phải những thách thức nhất định trong lĩnh vực này, cũng như trong việc quản lý các gói thư viện.
Hiệu năng thực tế và môi trường runtime: Phân tích hiệu năng của một ngôn ngữ không thể tách rời khỏi môi trường runtime của nó. Đối với PHP, PHP-FPM (FastCGI Process Manager) là một trong những implementation phổ biến nhất để phục vụ các web request. Mô hình "shared-nothing architecture" của PHP, nơi mỗi request thường khởi tạo một process mới và kết thúc sau khi xử lý, có những ưu điểm về sự đơn giản và khả năng mở rộng theo chiều ngang (horizontal scaling). Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế. Mỗi request phải tải lại toàn bộ code, khởi tạo lại các biến, và thiết lập lại các kết nối, dẫn đến overhead nhất định. Mặc dù các cơ chế như OpCache giúp giảm tải việc compile code, nhưng bản chất của mô hình này vẫn khác biệt so với các runtime môi trường "long-running" như Node.js (sử dụng engine V8 của JavaScript) hay Go, nơi các process có thể duy trì trạng thái và kết nối, tận dụng tối đa các tối ưu hóa JIT cho các tác vụ I/O-bound. HHVM của Facebook từng là một nỗ lực đáng kể để thay đổi mô hình runtime này, nhưng cuối cùng đã không đạt được sự chấp nhận rộng rãi ngoài Facebook.
Thách thức từ Package Manager (Composer): Composer đã là một bước tiến vượt bậc cho hệ sinh thái PHP, giúp giải quyết vấn đề quản lý dependencies và autoloading một cách hiệu quả. Tuy nhiên, nó vẫn có những điểm yếu:
Dependency Hell: Mặc dù Composer có cơ chế giải quyết dependencies mạnh mẽ, nhưng trong các dự án lớn với nhiều thư viện và các phiên bản không tương thích, "dependency hell" vẫn là một vấn đề nhức nhối. Việc nâng cấp một thư viện có thể dẫn đến xung đột với các thư viện khác, đòi hỏi thời gian và công sức để giải quyết.
Performance của Composer: Các lệnh như
composer update
có thể rất chậm, đặc biệt trên các dự án có số lượng lớn dependencies hoặc khi cần giải quyết một đồ thị dependencies phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến Developer Experience và thời gian triển khai.
Composer khi ra đời vào năm 2012 cũng giải quyết được rất nhiều thứ nhưng để so với npm, go modules, pip, cargo thì cũng... khó, ngoài vài package nổi tiếng ra thì mặt bằng chung thua kém khá nhiều về chất lượng, số lượng, tìm được 1 package "meta" nào đấy chắc đỏ con mắt.
f. Gánh nặng từ quá khứ và thành kiến
Lịch sử lâu đời của PHP, cùng với sự phổ biến rộng rãi của nó trong các dự án cũ, đã tạo ra một gánh nặng về di sản và ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng (reputation) của ngôn ngữ tạo ra những thành kiến không dễ dàng gỡ bỏ.
"Nỗi đau" từ quá khứ (Legacy PTSD):
Một số dev từng làm việc với các dự án PHP cũ, được coi là "quái vật" từ hàng thập kỷ trước, đã có những trải nghiệm tồi tệ và "bị PTSD" khi phải duy trì những dự án này. Các dự án này thường được viết với các tiêu chuẩn lập trình lỗi thời, thiếu cấu trúc, và sử dụng các phiên bản PHP đã hoá thạch, khiến việc bảo trì và nâng cấp trở thành một cơn ác mộng. Điều này tạo ra một định kiến tiêu cực sâu sắc về PHP trong tâm trí nhiều lập trình viên. Ngay bản thân mình cũng đang phải maintenance vài legacy system viết bằng PhalconPHP, PHP-FPM 5 và MariaDB đời nhà tống, dù có dùng docker thì cũng cực kỳ mệt mỏi.
Danh tiếng kém và lỗ hổng bảo mật trong lịch sử: PHP có lịch sử lâu đời với nhiều lỗi bảo mật nổi tiếng (ví dụ: hash collision DDoS, SQL injection và XSS do lập trình viên thiếu kinh nghiệm gây ra).
Đầu những năm 2010 chỉ cần google search vài keyword là sẽ có sẵn “tài nguyên” để tha hồ injection, lấy credit card chùa, mình cũng từng mua demonthorn.com 10 năm = CC chùa :(
Có những server để sẵn shell, người đến kẻ đi như bến cảng, đứa hack trước còn viết tutorial hoặc lời nhắn cho đứa hack sau =))
Mặc dù nhiều vấn đề đã được khắc phục ở các phiên bản mới, nhưng những sự cố này đã góp phần tạo nên một hình ảnh tiêu cực lan rộng về PHP như một ngôn ngữ kém an toàn hoặc "sida ghẻ lở" trong mắt cộng đồng công nghệ.
g. Hạn chế về tính đa năng
Mặc dù PHP là "ông hoàng" trong lĩnh vực phát triển web truyền thống, nhưng nó lại thể hiện sự kém hiệu quả và thiếu linh hoạt khi được sử dụng ngoài "ngách" của mình.
Không đa năng ngoài web:
PHP bị cho là hoạt động kém hiệu quả khi được sử dụng ngoài niche của nó (phát triển web), trong khi các ngôn ngữ đa năng khác như Python, Typescript/Js (Node), C#, Go hay Rust lại vượt trội trong nhiều lĩnh vực khác nhau (ví dụ: AI/ML, data science, desktop, embedded system, backend API). Sự chuyên môn hóa này đã từng là sức mạnh của PHP, nhưng giờ đây, khi thế giới công nghệ đang dịch chuyển sang các lĩnh vực mới, nó lại trở thành điểm yếu chí mạng. Các framework hiện đại như Laravel hay Symfony, mặc dù giúp che đậy nhiều điểm yếu của ngôn ngữ, nhưng không thể thay đổi bản chất cốt lõi của PHP, khiến nó vẫn bị giới hạn trong phạm vi ứng dụng.
Mỗi ngôn ngữ có domain riêng - PHP vẫn mạnh trong rapid web development - Vấn đề là PHP không expand ra được các domain mới
h. Sự "đủ tốt" và gánh nặng từ các dự án quy mô lớn (Case study: Facebook)
Một trong những lập luận thường được đưa ra để bảo vệ vị thế của PHP là việc các ông lớn như Facebook vẫn sử dụng nó. Tuy nhiên, cần nhìn nhận bối cảnh lịch sử. Khi Mark Zuckerberg bắt đầu viết Facebook cách đây hơn 20 năm (năm 2003), PHP là một lựa chọn tự nhiên và gần như không có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực phát triển web. PHP được tạo ra để khắc phục những hạn chế của Perl trong việc xây dựng các trang web động. Vào thời điểm đó, Ruby on Rails chưa thực sự phổ biến, các web server Java còn cồng kềnh, và Python chưa có Django. Việc viết ứng dụng web bằng C sẽ tốn rất nhiều thời gian với việc quản lý các socket phức tạp. Node.js thậm chí còn chưa ra đời. Thực tế, vào năm 2003, PHP là công cụ hiệu quả nhất để một sinh viên Harvard có thể nhanh chóng tạo ra một trang web trong thời gian ngắn.
Ngày nay, đối với một nền tảng quy mô như Facebook, phần công nghệ web phía frontend hay backend được viết bằng gì không còn là yếu tố quan trọng nhất, miễn là quảng cáo được hiển thị phù hợp và trang tải nhanh trong vài giây. Họ không viết lại phần PHP không phải vì nó là công nghệ tối ưu nhất hiện tại, mà bởi vì nó đã "đủ tốt" (good enough) và chi phí để thay thế một hệ thống khổng lồ như vậy là cực kỳ lớn. Đây là một ví dụ điển hình về gánh nặng từ di sản công nghệ: một khi đã đầu tư khổng lồ vào một stack nhất định, việc chuyển đổi toàn bộ sẽ là một thách thức cực lớn, ngay cả khi có những lựa chọn kỹ thuật vượt trội hơn.
Sự thật là Facebook của ngày hôm nay không còn chạy trên PHP mà chúng ta biết. Khi phải đối mặt với những hạn chế về hiệu năng và sự thiếu an toàn của ngôn ngữ ở quy mô lớn, họ đã phải tự cứu mình. Đầu tiên, họ tạo ra HHVM, một máy ảo hiệu năng cao để thay thế runtime mặc định của PHP. Nhưng ngay cả điều đó cũng không đủ.
Cuối cùng, họ đã tạo ra Hack - một ngôn ngữ lập trình mới, một "nhánh tiến hóa" từ PHP với hệ thống static type checking và nhiều tính năng hiện đại khác như generic, async, await. Và tín hiệu rõ ràng nhất cho sự "ruồng bỏ" này là vào năm 2018, đội ngũ HHVM chính thức thông báo ngừng hỗ trợ PHP để tập trung hoàn toàn vào Hack.
Điều này có nghĩa là, chính người dùng lớn nhất của PHP đã phải thừa nhận rằng nó không đủ tốt và đã tự tạo ra một ngôn ngữ khác để thay thế. Luận điểm "Facebook dùng PHP" thực chất đã sụp đổ từ lâu. Họ dùng một hậu duệ được sinh ra chính vì những khuyết điểm của PHP
Viết nữa có khi tới Z quá :)) ngta lại bảo mình hater
2. Hệ sinh thái: Cứu cánh cuối cùng và gánh nặng từ di sản
Nếu có một lý do khiến PHP vẫn còn tồn tại mạnh mẽ đến ngày nay, đó chính là hệ sinh thái của nó.
a. Laravel và Symfony: Những ốc đảo (tại sao lại là ốc đảo?)
Không thể phủ nhận vẻ đẹp và sức mạnh của các framework hiện đại như Laravel và Symfony. Chúng là những tác phẩm đẹp về kiến trúc phần mềm, mang lại một trải nghiệm lập trình (Developer Experience) tuyệt vời. Laravel, với cú pháp thanh lịch và hệ sinh thái phong phú (Forge, Vapor, Nova), đã thổi một luồng sinh khí mới, giữ cho PHP luôn "hợp thời" và thu hút một thế hệ lập trình viên mới. Symfony, với các component mạnh mẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, là nền tảng vững chắc cho các ứng dụng enterprise phức tạp.
Chúng chính là lý do chính khiến cộng đồng PHP còn tồn tại một cách sôi động. Tuy nhiên, chúng giống như những ốc đảo tươi mát trong một sa mạc. Một framework, dù tốt đến mấy, cũng không thể thay đổi hoàn toàn bản chất và những hạn chế của ngôn ngữ nền tảng. Bạn vẫn đang viết PHP, với tất cả những vấn đề cố hữu của nó, dù được che giấu dưới một lớp vỏ đẹp đẽ. Laravel không thể giúp PHP giải quyết bài toán concurrency hiệu quả như Go hay Node.js. Symfony không thể làm cho type system của PHP an toàn như TypeScript.
b. Cái bóng của WordPress: Phước lành và Lời nguyền
WordPress là "con voi trong phòng" mỗi khi nói về PHP. Nền tảng của hơn 40% website toàn cầu, nó đảm bảo cho PHP một thị phần khổng lồ và một nhu cầu nhân lực không bao giờ cạn kiệt. Đây là một phước lành không thể chối cãi.
Nhưng nó cũng là một lời nguyền. Sự thành công của WordPress đã níu chân và định hình hình ảnh của PHP trong mắt thế giới. Nó gắn liền PHP với blog, website tin tức, trang bán hàng nhỏ lẻ. Nó tạo ra một thị trường khổng lồ cho các lập trình viên "WordPress" - những người có thể không có kiến thức sâu về khoa học máy tính hay kiến trúc phần mềm, nhưng lại rất giỏi trong việc cài đặt theme và tùy chỉnh plugin. Điều này làm loãng chất lượng chung của cộng đồng và củng cố định kiến rằng PHP là một ngôn ngữ "không nghiêm túc". Nó cũng tạo ra một khối lượng legacy code khổng lồ, với các tiêu chuẩn lập trình từ một thập kỷ trước, thứ mà các thế hệ sau phải tiếp tục bảo trì.
3. Định nghĩa lại "cái chết" và những tín hiệu "hấp hối"
Cuộc tranh luận về sự sống và cái chết của PHP thường đi vào ngõ cụt vì mỗi người có một định nghĩa khác nhau. Để có cái nhìn toàn diện hơn, chúng ta cần không chỉ định nghĩa lại "cái chết" của một ngôn ngữ lập trình mà còn xem xét các tín hiệu rõ ràng từ cộng đồng và thị trường.
a. "Chết" không có nghĩa là biến mất
Nếu "chết" có nghĩa là không còn một dòng code nào chạy trên thế giới, thì COBOL sẽ không bao giờ chết. Nó vẫn đang vận hành các hệ thống mainframe cốt lõi của ngành ngân hàng và bảo hiểm. Một ngôn ngữ chỉ thực sự "chết" theo góc nhìn của một developer (như mình) khi nó không còn là một lựa chọn hợp lý cho các dự án mới mang tính đổi mới. Nó không còn nằm trong danh sách cân nhắc khi bạn xây dựng một startup công nghệ. Vai trò của nó chuyển từ "xây dựng tương lai" sang "bảo trì quá khứ". Theo định nghĩa này, PHP đang ở trong giai đoạn hấp hối.
b. Sự Sụt Giảm của các dự an Nguồn mở mới và đột phá
Trong thời kỳ hoàng kim, PHP là cái nôi của hàng loạt dự án nguồn mở đột phá, từ các CMS (WordPress, Drupal, Joomla) đến các framework (Zend, CodeIgniter, Symfony, Laravel). Những dự án này không chỉ định hình ngành công nghiệp web mà còn thu hút hàng triệu lập trình viên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng các dự án nguồn mở mới, mang tính đột phá và tạo ra xu hướng từ cộng đồng PHP đã giảm đáng kể.
Trong khi các ngôn ngữ khác như Typescript/Js (với React, Vue, Angular, Svelte,…), Python (với Django, Flask, FastAPI, và đặc biệt là các thư viện AI/ML), Go (với Gin, Echo, Fiber và hàng chục ngàn các opensource libray khác) liên tục cho ra đời những framework, thư viện, và công cụ mới mẻ, giải quyết các bài toán hiện đại (microservices, serverless, AI/ML), thì PHP chủ yếu tập trung vào việc cải thiện các framework hiện có (Laravel, Symfony) hoặc vá víu những lỗ hổng tồn đọng. Rất ít dự án PHP mới thực sự tạo ra tiếng vang lớn hoặc thay đổi cuộc chơi trong các lĩnh vực mới nổi. Điều này cho thấy sự thiếu hụt động lực đổi mới từ chính cộng đồng.
c. Các sự kiện cộng đồng và hội nghị: Từ sôi động đến trầm lắng
Các hội nghị và sự kiện cộng đồng là thước đo quan trọng cho sức sống của một ngôn ngữ lập trình. Trong quá khứ, các sự kiện PHP quốc tế và khu vực luôn sôi động, thu hút hàng ngàn lập trình viên, với các bài thuyết trình về những tính năng mới, kiến trúc đột phá, và các dự án sáng tạo.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dù vẫn còn tồn tại, quy mô và tần suất của các sự kiện PHP lớn đã có dấu hiệu chững lại hoặc giảm sút so với các ngôn ngữ khác. Số lượng các buổi nói chuyện về các chủ đề thực sự "đổi mới" cũng ít đi, thay vào đó là các chủ đề xoay quanh việc tối ưu hóa hiệu năng cho các hệ thống cũ, hoặc sử dụng các tính năng đã có từ lâu ở các ngôn ngữ khác. Sự thiếu vắng những "ngôi sao" mới nổi và những ý tưởng đột phá tại các sự kiện này là một tín hiệu đáng lo ngại về sức hút của PHP đối với thế hệ lập trình viên trẻ và những người tiên phong.
d. Nhận thức của thế hệ lập trình viên mới
Đối với các lập trình viên mới bước chân vào ngành, PHP thường không còn là lựa chọn hàng đầu. Các trường đại học và trung tâm đào tạo lập trình cũng dần chuyển hướng sang giảng dạy các ngôn ngữ có tính ứng dụng rộng hơn như Python (cho AI/ML, Data Science, Web), Typescript/Js (cho Frontend, Backend với Node), C# (cho Game Development), Go (cho cloude based micro service), Rust (cho embedded system)
Thế hệ lập trình viên Gen Z, với tư duy cởi mở và mong muốn khám phá những công nghệ tiên tiến, thường ít hứng thú với một ngôn ngữ mang gánh nặng di sản và danh tiếng "cũ kỹ" như PHP. Họ tìm kiếm những công cụ có thể giúp họ xây dựng các ứng dụng hiện đại, đa nền tảng, và có cơ hội tham gia vào các lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng như AI, blockchain, hoặc IoT. Điều này dẫn đến một vòng lặp tiêu cực: ít lập trình viên trẻ quan tâm, ít dự án mới, và cuối cùng là giảm dần sự đổi mới.
e. Xu hướng thị trường lao động và mức lương
Mặc dù thị trường việc làm PHP vẫn còn lớn do nhu cầu bảo trì các hệ thống cũ, nhưng xu hướng tuyển dụng cho các dự án mới, đặc biệt là các startup công nghệ hoặc các công ty muốn xây dựng sản phẩm đột phá, đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các ngôn ngữ khác. Các vị trí PHP mới thường tập trung vào bảo trì WordPress, Laravel, hoặc các hệ thống legacy, với mức lương có xu hướng thấp hơn so với các ngôn ngữ "hot" hơn.
Các công ty công nghệ lớn và các startup đình đám ít khi chọn PHP làm ngôn ngữ chính cho các sản phẩm cốt lõi mới của họ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp mà còn tác động đến mức độ "hấp dẫn" của PHP trong mắt các lập trình viên có kinh nghiệm và tài năng, những người luôn tìm kiếm những thách thức mới và cơ hội phát triển tốt hơn.
Mới vào nghề đằng nào cũng gà thì học cầm súng, lái xe tăng cmnl chứ học bắn cung làm gì mấy cha :))
f. Sự xuất hiện và thống trị của các FE framework hiện đại, xu hướng SPA.
Sự bùng nổ của các framework JavaScript frontend như React, Angular, và Vue.js đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta xây dựng ứng dụng web. Mô hình SPA (Single Page Application) và SSR (Server-Side Rendering) với các framework như Next.js, Nuxt.js hay SvelteKit đã trở thành tiêu chuẩn. Điều này đẩy vai trò của PHP lùi về phía sau, chỉ còn là một API provider và phải cạnh tranh trực tiếp với Node.js, Go, Python – những lựa chọn mạnh hơn trong vai trò này.
Khi frontend trở nên độc lập và mạnh mẽ hơn, vai trò của PHP trong việc render HTML trực tiếp đã giảm đi đáng kể. Mặc dù các framework PHP như Laravel vẫn có thể tích hợp với các thư viện frontend, nhưng bản chất của sự phát triển web đã thay đổi, và PHP không còn là trung tâm của bức tranh đó.
Dùng Typescript/Js trong cùng 1 project, reuse code giữa FE và BE không sướng hơn hay sao mà phải mang PHP vào?
Những tín hiệu này, dù không trực tiếp tuyên bố "cái chết" của PHP, nhưng lại vẽ nên một bức tranh rõ ràng về sự dịch chuyển vị thế của nó. PHP đang dần trở thành một ngôn ngữ của quá khứ, được duy trì bởi một hệ sinh thái khổng lồ và gánh nặng di sản, hơn là một công cụ dẫn dắt tương lai của ngành công nghệ.
4. Không phải "Chết", mà là "Hết Thời"
Vậy, PHP đã "chết" hay chưa?
Nếu xét theo nghĩa đen, câu trả lời chắc chắn là chưa. PHP sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều năm nữa. Hàng triệu website WordPress, hệ thống Drupal, các ứng dụng Laravel sẽ tiếp tục cần được bảo trì, nâng cấp và phát triển. Thị trường việc làm cho lập trình viên PHP, đặc biệt là những người có kỹ năng với các framework hiện đại, vẫn sẽ tồn tại.
Tuy nhiên, nếu xét theo góc nhìn của sự đổi mới, của việc lựa chọn công nghệ cho tương lai, có thể khẳng định rằng PHP đã hết thời. Nó đã chuyển từ vị thế của một ngôn ngữ dẫn đầu, định hình xu hướng web sang một vị thế của một công cụ trưởng thành, ổn định, nhưng cũ kỹ. Nó là một lựa chọn an toàn, nhưng không phải là một lựa chọn thông minh cho những ai muốn xây dựng các sản phẩm của tương lai.
Cái joke "PHP is dead" đã trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Sự khác biệt còn lại chỉ nằm ở việc mỗi người định nghĩa khái niệm "chết" như thế nào, và liệu họ có sẵn sàng đối mặt với sự thật rằng thời hoàng kim của một ngôn ngữ đã thực sự qua hay không.
Disclaimer
<?php
try {
$author->expressHonestOpinion();
} catch (FanboyRageException $e) {
// Log the exception, but do nothing.
// Let them rage =))
error_log($e->getMessage());
} finally {
$author->sleepWell();
$author->codeInAnotherLanguageTomorrow();
}